NGỌC, HAY ĐÁ QUÝ VÀ MỘT SỐ LOẠI ĐÁ BÁN QUÝ, LÀ CÁC KHOÁNG CHẤT QUÝ HIẾM CÓ NGUỒN GỐC TỪ THIÊN NHIÊN HOẶC NHÂN TẠO CÓ GIÁ TRỊ THẨM MỸ; MÀU SẮC RỰC RỠ VÀ ĐỒNG ĐỀU, CÓ ĐỘ TINH KHIẾT VÀ ỔN ĐỊNH; KHẢ NĂNG CHIẾT QUANG VÀ PHẢN QUANG MẠNH; CÓ ĐỘ CỨNG NHẤT ĐỊNH VÀ PHẦN LỚN CÓ KHẢ NĂNG CHỐNG ĂN MÒN.
Ngọc có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp nhưng công dụng chủ yếu được biết đến nhiều nhất là để trang trí và làm các đồ trang sức, đặc biệt là nữ trang.
Tuy trong thực tế hầu như không có một khu biệt nào giữa hai khái niệm “ngọc” và “đá quý”. Người ta vẫn ít nhiều nhận thấy ý nghĩa của tên gọi “ngọc” biểu hiện đặc tính của đối tượng cụ thể hơn nên thường gắn với một loại đá quý nhất định (như lục bảo ngọc, lam ngọc, hồng ngọc, hoàng ngọc, bích ngọc); còn “đá quý” có ý nghĩa rộng hơn và khái quát hơn (chẳng hạn khái niệm “nhẫn cưới gắn đá quý” thường chỉ một nhóm những loại nhẫn cưới được gắn hồng ngọc, lam ngọc, ngọc lục bảo phân biệt với nhẫn cưới gắn kim cương và nhẫn cưới phay trơn v.v.). Ở một phương diện khác, “đá quý” gắn với những sản phẩm tự nhiên chưa qua gia công, còn “ngọc” được hiểu là những khoáng vật quý hiếm đã được chế tác, mài dũa hoàn chỉnh mà thành, tuy đôi khi sự phân biệt này trở nên mờ nhòe tùy theo quan niệm
THEO ĐẶC TÍNH
Khoáng vật của thế giới tự nhiên có khoảng hơn 3000 loại, tuy nhiên chỉ có khoảng 100 loại khoáng thạch thích hợp cho việc gia công thành đá quý hoặc đá bán quý[2]. Với những nhà buôn đá quý chỉ có khoảng 20 loại là đối tượng kinh doanh, trong đó kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc và xa-phia được đánh giá là bốn loại đá quý hàng đầu. Tại Nhật Bản còn xác định bảy loại đá quý nhất, trong đó ngoài bốn loại nói trên còn có opan, alexandrite, jadeite. Ngoài ra, người ta còn gọi kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc, xa-phia, jadeite và ngọc trai là: “ngũ hoàng nhất hậu” (năm vua và một hoàng hậu)
THEO MÀU SẮC
Một số loại ngọc tuy có thành phần khoáng chất cơ bản giống nhau, nhưng theo màu sắc có thể được phân tách thành loại khác biệt, như hồng ngọc và xa-phia đều là khoáng corundum tuy loại corundum màu đỏ được tách riêng thành hồng ngọc còn các loại có màu sắc khác là xa-phia (khi gắn trên nữ trang phần lớn chỉ sử dụng xa-phia màu xanh lam), các loại thạch anh đều có thành phần chính là silic dioxit nhưng amethyst (thạch anh tím) được tách riêng một loại ngọc vì sự quý hiếm của chúng
THEO NGUỒN GỐC
Cho đến đầu thế kỷ 20, ngọc vẫn là những sản phẩm của tự nhiên hình thành dưới những tác động lý hóa và sự biến động địa chất của Trái Đất qua hàng triệu năm ngoại trừ một vài loại ngọc hay khoáng vật quý là sản phẩm hữu cơ (như ngọc trai từ trai, sò, ốc nước mặn hay nước ngọt; hổ phách xuất xứ từ những loại thực vật họ thông; các loại san hô đặc biệt là san hô đỏ). Hiện nay, công nghệ sản xuất ngọc nhân tạo đã tiến bộ vượt bậc, khởi đầu là sự nuôi cấy thành công ngọc trai nhân tạo ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi hồng ngọc, xa-phia, hoàng ngọc và cả kim cương nhân tạo cũng lần lượt được nghiên cứu chế tạo trong phòng thí nghiệm tại khắp các châu lục. Những sản phẩm ngọc nhân tạo dần dần tạo được chỗ đứng của mình không chỉ trong các lĩnh vực công nghiệp mà đã bước dần sang địa hạt trang sức, chiếm lĩnh những ngăn, kệ đặt nữ trang tại các cửa hiệu kim hoàn nổi tiếng thế giới. Tuy chất lượng không thua kém gì ngọc thiên nhiên thậm chí có khi còn vượt trội hơn về độ tinh khiết và màu sắc, giá trị quy đổi ra tiền tệ của ngọc nhân tạo vẫn thua xa ngọc xuất xứ từ thiên nhiên.